Nội dung:
Trước làn sóng người lao động ồ ạt rời TP. HCM và một số tỉnh, thành để về quê vì cuộc sống gặp khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã bộc lộ nhiều vấn đề về bài toán nhân lực lao động mà từ lâu chưa được doanh nghiệp và chính quyền quan tâm nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Kế hoạch "mở cửa" để khôi phục hoạt động sản xuất sẽ thiếu hụt lao động là bài toán đã được báo Nhà báo & Công luận đặt ra trong bài viết: Doanh nghiệp với nỗi lo thiếu hụt công nhân "hậu Covid-19".
Đáp số cho bài toán nguồn nhân lực
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, toàn thành phố có trên 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân.

Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 trong 5 tháng gần đây đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ và cả các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… khiến chỉ còn 700 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động.
Số doanh nghiệp còn lại cùng với hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và trên 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.
Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo TP. HCM vẫn chưa có đáp áp cho vấn đề nói trên. Về vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra một số ý kiến để ra tìm lời giải cho một đòi hỏi vô cùng cấp thiết từ thực tế mà người lao động và cơ quan quản lý nhà nước đang quan tâm.
Theo các chuyên gia, chính quyền TP. HCM cần nhiều giải pháp quyết liệt để giải bài toán nhân lực lao động trong thời gian tới, trong đó cần tính giải pháp đồng bộ, bền vững để lao động nhập cư yên tâm làm việc, chứ không phải hiện trạng bám lấy thành thị kiếm sống qua ngày.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. HCM thông tin, hiện nay đơn vị ưu tiên phối hợp với chính quyền TP. HCM và các địa phương khác để đón người lao động quay lại làm việc. Cách thức đưa đón đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động.

Khi đón về, doanh nghiệp và chính quyền sẽ tổ chức chỗ ăn, ở và tiêm vaccine cho lao động. Song song đó là đề xuất với chính quyền xây dựng nhà ở lưu trú cho người lao động theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
Lực lượng lao động chủ yếu sống tập trung ở các xóm trọ, với không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K vì thế đã phát sinh nhiều F0, F1.
"Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch Covid-19, ổn định sản xuất dài lâu cho doanh nghiệp”, ông Trực nhấn mạnh.
Cùng quan điểm về việc xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Trần Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Tạo cho biết, do lực lượng lao động chủ yếu sống tập trung ở các xóm trọ, với không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K vì thế đã phát sinh nhiều F0, F1.
Ông Trần Việt Anh lý giải việc sống trong môi trường như vậy khiến nhiều người lao động chỉ muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do. Nhóm này có đến 70%-80% là ở các tỉnh, thành phố khác. Họ không được mua bảo hiểm, tiếp cận công nghệ chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác.
Từ thực trạng các nơi ở không bảo đảm của người lao động hiện nay, ông Anh cho rằng để bảo đảm nguồn lực lao động trong tương lai, chính quyền cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do.
"Vấn đề này, trước đây chúng ta cũng có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, nhưng rồi cũng cuối cùng rất ít địa phương làm được", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Để người lao động không phải “kiếm sống qua ngày”
Theo bà Phạm Chi Lan, Nhà nước không có quỹ đất cũng không có chính sách miễn thuế đất cho doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, trong khi doanh nghiệp ngại đầu tư vì chi phí lớn mặt khác vấn đề này lại không bắt buộc doanh nghiệp mà chỉ khuyến khích.
Bà Phạm Chi Lan thừa nhận, sau đại dịch, lao động nhập cư đã sợ lắm rồi. Làm việc ở các thành phố lớn, họ phải ở trong các nhà trọ tồi tàn, lúc có dịch bệnh về quê cũng khổ mà cố ở lại thì không phải ai cũng có miếng ăn, chỗ ở.

Trong khi đó, rõ ràng lao động nhập cư có đóng góp cho sự phát triển của địa phương, theo luật cư trú thì họ phải được quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, phúc lợi xã hội tốt nhất.
Làm việc ở các thành phố lớn, họ phải ở trong các nhà trọ tồi tàn, lúc có dịch bệnh về quê cũng khổ mà cố ở lại thì không phải ai cũng có miếng ăn, chỗ ở. - Chuyên gia Phạm Chi Lan
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, các địa phương muốn GRDP cao thì phải có nhiều doanh nghiệp sản xuất, hoạt động. Doanh nghiệp muốn hoạt động được phải có lao động và muốn lao động yên tâm làm việc phải cho họ nơi ăn, chốn ở, các dịch vụ giáo dục, y tế cho con cái họ thật tốt.
Vấn đề lao động tại thành phố lớn hiện nay cần được giải quyết triệt để là chuyện nhà ở, phúc lợi. Có giải quyết được vấn đề này, chúng ta mới không còn cảnh sau lễ, Tết, doanh nghiệp gồng mình tuyển dụng, kêu gọi lao động trở lại làm việc.
Hiện nay, tại các khu vực trung tâm các thành phố lớn khó có quỹ đất để bố trí cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân, nhưng tại khu vực ngoại ô, các tỉnh thì quỹ đất còn khá nhiều.
"Chúng ta cần giải pháp đồng bộ, phải gắn việc phát triển doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp với phát triển các khu đô thị, khu nhà ở cho công nhân, tiến đến là xây dựng các cụm dân cư để họ được ổn định công việc, hình thành đô thị mới... để lao động nhập cư yên tâm làm việc, chứ không phải hiện trạng bám lấy thành thị kiếm sống qua ngày", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là các doanh nghiệp ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Để đảm bảo nguồn cung lao động, ông Vũ Trọng Bình khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. |