Trong bài viết này, tôi phân tích những thay đổi tích cực trong xã hội Việt Nam, từ việc thực thi pháp luật nghiêm minh hơn đến cải cách bộ máy hành chính tinh gọn. Nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí trong việc không chỉ phê phán tiêu cực mà còn cần công nhận và khích lệ những tiến bộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Cách đây không lâu, những vụ cướp giật trên đường phố xảy ra nhan nhản. Những kẻ say rượu lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy, mạng người bị xem nhẹ. Các vụ xô xát, đánh nhau ngoài đường diễn ra công khai mà ít ai bị xử lý. Ngay cả những vụ bạo hành, lạm dụng đồng bào mình ở khu vực biên giới cũng chẳng bị ngăn chặn kịp thời. Pháp luật có nhưng không nghiêm, người dân sống trong cảnh bất an, bị đe dọa từng ngày.

Nhưng nay, xã hội đã đổi khác. Đánh nhau ngoài đường—bị nhốt. Say rượu gây tai nạn—bị tạm giữ, truy tố. Hành hạ đồng bào kể cả ngoài đường biên—bị triệt tiêu bắt giam. Thực thi pháp luật bắt đầu nghiêm minh hơn, giá trị con người cũng theo đó mà nâng cao. Những kẻ từng coi thường luật lệ, xem mình là "trên cơ" người khác nay phải trả giá.
Khi công quyền không còn "nghề để sống"
Trước đây, công quyền cồng kềnh, người dân đi làm giấy tờ hành chính thì chờ đợi dài cổ, trong khi nhiều cán bộ vẫn ngồi "chờ lương". Có những phòng ban tồn tại chỉ để ký một con dấu, có những người cả tháng chẳng làm gì nhưng vẫn hưởng đầy đủ chế độ.
Nhưng nay, những ai không làm—cho nghỉ. Cơ quan nào dư thừa—bị cắt giảm. Không còn cảnh một bộ máy nhà nước cồng kềnh nhưng kém hiệu quả. Những ai còn được giữ lại là vì họ có năng lực thực sự, còn những ai chỉ biết ngồi không hưởng lợi thì buộc phải rời đi.

Công quyền giờ không còn là một “nghề để sống”, mà phải là nơi làm việc thực sự. Khi bộ máy được tinh gọn, ngân sách nhà nước không còn bị lãng phí vô ích. Quan trọng hơn, người dân cũng không còn phải chịu cảnh chờ đợi, chạy vạy khắp nơi chỉ vì một thủ tục hành chính đơn giản.
Nhà báo còn bị đánh, người dân thì sao?
Những năm trước, không ít vụ phóng viên, nhà báo bị hành hung khi đang tác nghiệp. Họ bị dọa nạt, bị tấn công vì dám phanh phui tiêu cực, vạch trần những góc khuất của xã hội. Nhưng đó là báo chí—những người có tiếng nói mạnh mẽ trên truyền thông, còn người dân thấp cổ bé họng thì sao?
Biết bao người bị chèn ép, bị oan khuất nhưng chẳng ai đứng ra bảo vệ. Họ bị ức hiếp bởi những kẻ có quyền, bị lừa gạt bởi những kẻ có tiền, nhưng lên tiếng thì chẳng ai nghe. Những vụ hành hung, đe dọa dân thường diễn ra như cơm bữa, nhưng có bao nhiêu vụ được giải quyết thấu đáo?

Giờ đây, tình hình đã bắt đầu thay đổi. Người dân có tiếng nói hơn, quyền lợi được bảo vệ tốt hơn. Không còn chuyện côn đồ ngang nhiên đánh người mà không bị xử lý, không còn cảnh kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu một cách công khai. Pháp luật đã bắt đầu đứng về phía những người lương thiện, và đó là một sự thay đổi không thể phủ nhận.
Khi xã hội thay đổi, báo chí cũng phải chuyển mình
Báo chí trước đây đấu tranh để xã hội tốt lên. Khi pháp luật lỏng lẻo, chúng ta lên tiếng phản đối. Khi bộ máy công quyền trì trệ, chúng ta phê phán. Khi tiêu cực tràn lan, chúng ta đòi hỏi sự minh bạch.
Nhưng nay, khi mọi thứ thay đổi theo hướng tích cực, tại sao báo chí lại im lặng? Chúng ta đã từng tức giận khi cướp giật tràn lan, khi người say rượu lái xe không bị xử lý, khi công quyền rườm rà, nhưng khi mọi thứ bắt đầu vận hành tốt hơn, tại sao không ai dám ghi nhận?

Một lời khen không phải là ca ngợi mù quáng, mà là sự công bằng. Nếu chúng ta chỉ biết lên án khi xã hội tiêu cực, nhưng lại lặng thinh khi có tiến bộ, thì chẳng phải chúng ta đang tự mâu thuẫn hay sao?
Luật pháp nghiêm minh, xã hội tốt đẹp hơn, đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng báo chí cũng cần phải khách quan, không chỉ phê phán khi có tiêu cực mà còn phải công nhận khi có tiến bộ. Nếu không, chẳng khác nào chúng ta đang biến mình thành những kẻ "bất mãn mãi mãi", chỉ muốn xã hội mãi hỗn loạn để có cái để viết.
Một xã hội vận hành đúng luật pháp, một đất nước có kỷ cương, là điều đáng ghi nhận. Nhưng để giữ được những thành quả ấy, báo chí vẫn phải tiếp tục làm nhiệm vụ của mình: giám sát, phản ánh, nhưng cũng sẵn sàng công nhận sự thay đổi khi nó thực sự diễn ra.
Tags: bắt đầu, cơ quan, xử lý, kịp thời, đồng bào, cán bộ, giá trị, xã hội, tai nạn, khu vực, tồn tại, bộ máy, lạm dụng, giấy tờ, lái xe, pháp luật, ngăn chặn, nâng cao, trong khi, những ai, trước đây