Mr Hoàng Tuấn Cầm bút sắc bén, dẫn lối công lý !

Người nặng hành trang nghiệp báo - duyên thơ…

Bên ly cà phê tại một quán nhỏ tại quận 1, TP.HCM, nhà báo, nhà thơ Trương Minh Thắng sẻ chia tâm tình về quãng đời 37 năm gắn với nghề báo của anh. Tôi tri cảm được dư vị ngọt ngào lẫn đắng đót của nghiệp dĩ mà anh từng bén duyên, để nhận thấy rằng đến giờ đây anh vẫn luôn nặng lòng với nghiệp báo-duyên thơ; với anh đó là hành trang tinh thần không thể thiếu vắng trong cuộc sống.
Những bài báo của dự dấn thân

Bước chân vào làng báo từ năm 19 tuổi, kinh qua nhiều vị trí phóng viên, biên tập viên, phó tổng biên tập, tổng biên tập (TBT) Báo DakLak. Hóa thân, đối diện cùng bao buồn vui vơi đầy trong quãng đời làm báo, nhưng với nhà báo Trương Minh Thắng, kỷ niệm về trường hợp Báo DakLak “phản pháo” trong sự kiện tháo dỡ Đài tưởng niệm liệt sỹ (ĐTNLS) của tỉnh DakLak, là bước ngoặt ban đầu khó quên. Đây chính là thời điểm thực chứng dấu ấn, bản lĩnh của một TBT trong sự nghiệp đấu tranh vì lẽ phải, vì công lý của tập thể tờ báo mà anh đang “cầm chịch”.
image 20210925172345 1
Nhà báo, nhà thơ Trương Minh Thắng
Đầu tháng 06.1999, Tòa soạn Báo DakLak nhận được thông tin từ một chuyên viên của Văn phòng Tỉnh ủy DakLak cho hay: Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ký quyết định cho phép tháo dỡ ĐTNLS để xây dựng một tượng đài khác quan trọng hơn. Tin “sốc” này đến với nhà báo Trương Minh Thắng và các nhà báo như một “cơn bão tinh thần” kéo theo nhiều dư chấn mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Thế là những người cầm bút có trái tim mẫn cảm ở Báo DakLak đã hiệp lực, đồng tâm vào cuộc để làm rõ, kiến giải một sự thực phi lý, khó có thể chấp nhận được như thế. Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo DakLak mới biết chủ trương này xuất phát từ sự tham mưu của Sở Văn hóa-Thông tin. Cơ quan này cho rằng, nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) của tỉnh đã xây dựng tại km số 5, việc dâng hương tưởng niệm không còn được tiến hành tại ĐTNLS mà là ở NTLS, nên việc phá bỏ ĐTNLS để xây dựng công trình khác là điều bình thường (!).

Nhà báo Trương Minh Thắng trăn trở: Chẳng lẽ lại tồn tại chủ trương về một vấn đề rất nhạy cảm, bắt nguồn từ sự nhận thức giản đơn và vô cảm đến vậy sao? ĐTNLS - một biểu tượng văn hóa, lịch sử của TP Buôn Ma Thuột, được xây dựng sau chiến thắng năm 1975, là một trong những tượng đài tinh thần thiêng liêng trong tâm thức thẳm sâu của biết bao thế hệ. Không nên và không thể đập phá ĐTNLS để xây dựng bất cứ một công trình nào khác được. Báo chí phải có trách nhiệm gióng lên hồi chuông cảnh báo nhằm ngăn chặn việc làm trái đạo lý này. Ngay sau đó, nhà báo Trương Minh Thắng chỉ đạo phóng viên, ban biên tập có ý kiến về vấn đề này trên Báo DakLak. Ngày 16.06.1999, Báo DakLak có bài viết Nên tôn tạo Đài tưởng niệm liệt sỹ gây xôn xao trong dư luận, đã có nhiều hồi âm đồng thuận lẫn ngược chiều sau khi báo đăng bài.

Để rộng đường dư luận, ngày 19.06.1999, Báo DakLak dành gần một trang đăng một loạt các ý kiến của người dân TP Buôn Ma Thuột xung quanh việc gìn giữ và tôn tạo ĐTNLS, thể hiện lòng thành kính, tri ân của bạn đọc đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Báo DakLak còn đặt thêm vấn đề qua bài viết Người dân Buôn Ma Thuột vẫn cần sự tồn tại của Đài tưởng niệm liệt sỹ, bài báo khẳng định: “Trong tâm trí chúng tôi, ĐTNLS hiện nay như là một công trình văn hóa-lịch sử địa phương, không thể chấp nhận việc “phải phá bỏ”, mà trái lại cần được giữ gìn và tôn tạo”.

Ngày 19.06.1999, khi Báo DakLak lên khuôn chuẩn bị cho in bài viết nói trên, một vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy DakLak gọi điện thoại cho nhà báo Trương Minh Thắng yêu cầu không đăng tiếp thông tin liên quan đến chủ trương tháo dỡ ĐTNLS của Tỉnh ủy. TBT Trương Minh Thắng đáp lời là báo đã in xong. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo “nắn gân”: Nếu báo không đồng thuận với quyết định của Tỉnh ủy thì cơ quan này sẽ đề xuất Tỉnh ủy DakLak kỷ luật TBT (!). Trước áp lực đó, nhà báo Trương Minh Thắng và tập thể Báo DakLak kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình; sẵn sàng ứng phó mọi tình huống bất trắc nhất có thể xảy ra.

Hai ngày sau khi bài báo nói trên phát hành, đúng vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.06. Trong cuộc gặp gỡ báo giới, lãnh đạo tỉnh DakLak khi đề cập đến việc định hướng thông tin của báo chí đã “nhắc khéo” TBT Trương Minh Thắng rằng, nhà báo khi viết bài lẽ ra cần thông tin cho người dân biết việc tháo dỡ ĐTNLS để xây dựng công trình khác quan trọng hơn, chứ không nên đặt vấn đề ngược lại tinh thần của Tỉnh ủy DakLak.

Cuối cùng, lẽ phải cũng được trả lại vẹn nguyên giá trị vốn dĩ. Cuối tháng 08.1999, Tỉnh ủy DakLak có ý kiến chính thức cho dừng lại chủ trương tháo dỡ ĐTNLS. Đó là một quyết định hết sức khó khăn, nhưng kịp thời và đúng đắn, bởi lãnh đạo địa phương đã có thái độ cầu thị, biết nhìn nhận lại, kịp thời sửa sai khi mọi việc vẫn còn chưa muộn.

Khi quan Tòa ... "xử" báo chí

Cuối năm 2008, có 4 hộ dân ở huyện Krong Buk (nay là thị xã Buôn Hồ) phát đơn kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Krong Buk để đòi lại đất thuộc quyền quản lý của Công ty cà phê 715 (thuộc Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng). Thông tin này Báo DakLak nhận được từ một đồng nghiệp của một tờ báo Trung ương thường trú tại địa phương.

Nhà báo Trương Minh Thắng chỉ đạo phóng viên trực tiếp điều tra và đăng tải thông tin về việc các hộ dân chiếm đất quốc phòng bất hợp pháp. Ngược đời hơn là họ còn đứng ra kiện tụng đòi công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Sau khi báo đăng bài, TAND huyện Krong Buk có công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đề nghị xử lý kỷ luật TBT Báo DakLak vì đưa thông tin về vụ kiện làm ảnh hưởng đến uy tín của tòa án huyện. Báo DakLak đã cho đăng công khai nội dung đơn kiến nghị của TAND huyện Krong Buk cùng ý kiến của tòa soạn với mục đích làm rõ bản chất của sự việc.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và thừa nhận báo chí thông tin hoàn toàn đúng sự thật. Các hộ dân buộc phải trả lại đất mà họ đã chiếm trái phép. Không dừng lại ở mức độ này, các hộ dân này lại tiếp tục làm đơn kiện Báo DakLak đòi bồi thường danh dự với lý do “báo đưa thông tin sai sự thật”. Mặc dù lý do này hoàn toàn thiếu cơ sở, nhưng không TAND huyện vẫn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự này. Kết quả, Báo DakLak thua kiện và phải bồi thường danh dự cho các hộ dân chiếm đất trái phái luật theo phán quyết của tòa án (!?). Viện Kiểm sát nhân tỉnh đã ra kháng nghị đối với bản án của TAND huyện Krong Buk. TAND tỉnh tiến hành xét xử phúc thẩm vụ kiện dân sự nói trên, kết quả là Báo DakLak thắng kiện.

Vụ kiện tụng kéo dài gần 1 năm, cả tòa soạn Báo DakLak và nhà báo Trương Minh Thắng đã bền chí theo đuổi, làm sáng tỏ đến cùng vấn đề. “Nếu không có bản lĩnh nghề nghiệp, chắc chắn chúng tôi sẽ né tránh những vụ việc tương tự để có sự an toàn. Nhưng chúng tôi dám dấn thân, tạo động lực và điểm tựa cho các đồng nghiệp đấu tranh vì công lý, thể hiện thiên chức và trách nhiệm của báo chí trước hàng loạt “đơn đặt hàng” đầy bức thiết của cuộc sống”, nhà báo Trương Minh Thắng chia sẻ.

Nghiệp báo - Duyên thơ

Trong căn phòng làm việc ở tòa soạn Báo DakLak - số 23 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, khi mọi người xong công việc trở về thì nhà báo Trương Minh Thắng lặng lẽ ngồi lại một mình, mở lòng cùng những câu thơ bất chợt ùa về trong khoảnh khắc. Anh xem thơ như người bạn tâm giao sau từng ngày làm báo đầy áp lực. Thơ đưa anh tìm về với những giá trị đích thực của cuộc sống; thơ giúp anh cách tự cân bằng, đồng hành vượt qua bao bất trắc, nỗi niềm dâu bể của một đời người. Anh có hàng trăm bài thơ được đăng trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ của trung ương, địa phương.

Giấc mơ ở lại, Xin là…, Vũ điệu biển, Tiếng rao đêm, Ngã sáu Ban Mê… là chùm những bài thơ giàu  thi ảnh, thi tứ, thi điệu của nhà báo Trương Minh Thắng. Thi ca là phương tiện để anh tìm cho mình nhịp cầu để chia sẻ, giãi bày tiếng lòng của anh dọc chặng-hành-trình-phận-người cùng bao nỗi niềm thế thái, nhân tình. Đặc biệt, thơ anh còn nhận được tri âm, cộng cảm của các nhạc sỹ; và từ đó mối giao duyên thơ-nhạc đã tạo sức lan tỏa, chắp cánh, thăng hoa thêm cho hồn thơ của nhà báo Trương Minh Thắng.  Đó là các ca khúc Con đường hoa trắng, Đêm phố cổ, Lặng lẽ (Nhạc Văn Đình); Như tình yêu, Ngọn gió sông Hàn (Nhạc Thu Thủy)…

Mặn duyên, nặng nợ với nghiệp báo từ năm 1976 đến nay, nhà báo Trương Minh Thắng đã cùng tập thể của nhiều nhà báo, cán bộ Báo DakLak đi qua một chặng đường với nhiều cuộc “vượt vũ môn” đầy chật vật để tạo nên diện mạo bề thế, uy tín cho một tờ báo ở miền cao nguyên hôm nay. Năm 2013, nhà báo Trương Minh Thắng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đầu năm 2013, khi bước vào tuổi 56, nhà báo Trương Minh Thắng được tổ chức thông báo sẽ điều động anh sang làm Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy DakLak. Anh có nguyện vọng được tiếp tục làm báo thêm 3 năm nữa theo quy định của Nhà nước, nhưng không được chấp thuận. Nhà báo Trương Minh Thắng làm đơn xin nghỉ hưu trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp, bè bạn.

Từ tháng 07.2013 anh nhận được quyết định nghỉ hưu. Anh nói: “Tôi mới chỉ nói lời tạm biệt với nghề thôi, vẫn còn đó bao điều để viết, để giữ “lửa nghề” và tiếp tục làm bạn với thi ca”.
 
Cuối tháng 06.2013. tại cuộc hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Quảng Nam, nhà báo Trương Minh Thắng mang theo 150 đĩa CD nhạc phổ thơ của anh như một món quà tinh thần nghĩa tình gửi tặng các đồng nghiệp - tấm lòng của một nhà báo yêu nghề, say thơ; như một lời chia tay ấm áp tình người của nhà báo Trương Minh Thắng.
 
Khi chia tay với tôi, nhà báo Trương Minh Thắng đọc cho tôi nghe những câu thơ - khúc vĩ thanh đẹp về cuộc sau bao phù trầm, dâu bể của đời người; lời trần tình của một tấm lòng vẫn còn nặng nghiệp duyên với báo chí và thi ca:

Xin là một giọt sương rơi
Đọng vào đáy mắt cho môi em mềm
Xin là hạt nắng qua thềm
Hanh hao một chút sắc chiều cuối đông
Xin là ngọn gió phiêu bồng
Chở từng hạt nắng sưởi lòng bão giông
Xin là một ngọn đèn chong
Cho từng giấc ngủ đêm đông không nhà
Xin là một hạt mưa sa
Nghiêng về đất mẹ ngàn hoa dâng đầy…

Tác giả: Nhà báo Bảo Trung - Báo Sức khỏe & Đời sống 
 ​

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây