Mr Hoàng Tuấn Cầm bút sắc bén, dẫn lối công lý !

Những mầm xanh trước "Lưỡi gươm Damocles"

Nhà báo Bảo Trung viết: “Lưỡi gươm Damocles” là một cách nói ẩn dụ trong triết học và văn chương phương Tây về nỗi lo âu và cái chết luôn chực chờ mà nhân loại hay từng cá thể hiện hữu phải đối mặt. Biểu trưng đó cũng đang phản ánh một hiện tình đang khiến nhân loại phải âu lo, trăn trở trên hành trình “vượt vũ môn” giữa dòng chảy bất tận, ẩn chứa không ít bất trắc trong cõi nhân sinh này. Và những tín hiệu cảnh báo này đã xuất hiện rõ trong đại dịch thế kỷ.
Suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã kéo lùi, cản trở nhiều thập niên tiến bộ của thế giới. Có khả năng giết chết 168.000 trẻ em trên thế giới, trước khi sự phục hồi toàn cầu được thực hiện. Một nghiên cứu gần đây do Thường trực Hiệp hội Dinh dưỡng quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Tiến sỹ Saskia Osendarp, người đứng đầu nhóm nghiên cứu này ước tính, sẽ có thêm hàng triệu trẻ em, đa phần ở Nam Á và châu Phi cận Sahara, sẽ bị thấp còi và gầy còm.

“Những phụ nữ đang mang thai sẽ sinh ra những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Chúng sẽ bị thiệt thòi ngay từ ấu thời. Cả một thế hệ đang bị đe dọa”, Saskia Osendarp nói.

Báo cáo thường niên của Liên Hiệp Quốc ghi nhận, châu Á đang là địa chỉ có số người suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao nhất hiện nay (381 triệu người). Đứng thứ hai là châu Phi (250 triệu người), tiếp đó là châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean (48 triệu người).

Riêng châu Phi là lục địa chịu  ảnh hưởng của nạn đói hết sức nặng nề, với 19,1 % dân số bị suy dinh dưỡng. Viễn cảnh về thực trạng này vẫn còn là một bức tranh chưa hết sắc màu ảm đạm trong những ngày tiếp nối. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2030, hơn một nửa dân số lâm vào nạn đói kinh niên trên toàn cầu vẫn là người dân xứ sở này.

Vào thời điểm mà các tổ chức trên thế giới đang chung tay nỗ lực khắc phục nạn đói, với kỳ vọng từng bước xóa sổ trong tương lai, thì đại dịch COVID-19 bùng lan khiến cho mọi kế hoạch phải dừng bước, gián đoạn. Nhiều quốc gia phải thắt lưng, buộc bụng; tạm ngưng viện trợ để ưu tiên khắc phục hậu quả trong nước do dịch gây ra.

Đại học Y khoa và Nhi khoa Hoàng gia Anh (RCPCH) ghi nhận, tỷ lệ tử vong ở trẻ em toàn cầu đã giảm phân nửa trong ba thập niên qua nhờ sự gia tăng viện trợ, nhưng con số tử vong vẫn còn nhiều.

Theo báo cáo thống kê trong năm 2019, có khoảng 15.000 trẻ em chết mỗi ngày, 2,4 triệu trẻ sơ sinh chấm dứt sự sống trong tháng đầu tiên.

Viện trợ đã giúp giảm tỷ lệ sinh sớm ở tuổi vị thành niên, giảm bất bình đẳng về giới; giúp phụ nữ sinh con an toàn và nuôi dưỡng trẻ tốt hơn.

Đại dịch thế kỷ cũng khiến cho các dịch vụ y tế dự phòng tại những quốc gia đói nghèo rơi vào tình trạng “đóng băng” đúng nghĩa. “Phao cứu sinh” viện trợ thúc thủ. Con số thiệt hại về nhân mạng ngày một tiếp tục gia tăng. Dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, hình thành những di lụy khôn lường đến mai hậu.

“Viện trợ cần đạt được lợi ích tối đa, bởi đó là những đồng tiền hữu ích. Cứu sống trẻ em là mệnh lệnh của lương tri, là hành động đạo đức. Đây được xem như một trong nhiều khoản đầu tư hiệu quả nhất cho sự tăng trưởng của toàn cầu trong thì tương lai”-đại diện RCPCH chia sẻ.

Nạn đói, đại dịch không loại trừ bất kỳ ai trên hành tinh này. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất, cũng không tránh khỏi cơn cuồng phong khốc liệt này. 

Từng bước chân thiên di của trẻ đang vẽ nên từng “chuyển động Brown” đong đầy ám ảnh trên hành tinh này, khắc nên những đường kỷ hà hằn sâu trong trong tâm thức nhân loại. Nhiều dấu hỏi lớn đang được đặt ra cần có lời hồi đáp. Để trẻ em -là chìa khóa của tương lai-  được chạm tay vào những cánh cửa rộng mở, tìm về một khung trời tươi sáng hơn trong ngày mai…




 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây