Lần đầu đến Nhật, tôi lạc giữa mê cung ga Tokyo, trễ tàu nhưng may mắn vẫn kịp chuyến sau, và từ đó học được bài học nhẹ nhàng về sự tử tế, kiên nhẫn và quy củ của đất nước mặt trời mọc.
Từ khách sạn nhỏ giữa lòng Tokyo, hai vợ chồng tôi gọi một chiếc taxi, tay xách túi hành lý gọn gàng, lòng rộn ràng như đứa trẻ sắp đi thăm người thân xa. Anh bạn đồng hương mà chúng tôi sắp gặp là người từng sống cạnh nhà hồi nhỏ, nay định cư ở một vùng cách Tokyo gần 100km. Lâu rồi không gặp, chúng tôi háo hức muốn bắt chuyến tàu chiều để kịp có bữa tối ấm áp cùng anh.
Taxi đưa chúng tôi băng qua những con phố đông đúc, ánh đèn neon bắt đầu sáng dần khi chiều muộn buông xuống. Ga Tokyo hiện ra trước mắt – tráng lệ, rộng lớn, và có phần choáng ngợp. Với chúng tôi, đây không còn là một nhà ga đơn thuần, mà là một mê cung hiện đại của cả thế giới dưới lòng đất.
Ga Tokyo – biểu tượng lịch sử giữa lòng thủ đô
Ít ai ngờ, ga Tokyo – điểm giao thông sầm uất bậc nhất nước Nhật – đã có tuổi đời hơn 100 năm. Được khánh thành vào ngày 20 tháng 12 năm 1914, nhà ga mang phong cách kiến trúc châu Âu cổ kính với mái vòm đỏ gạch đặc trưng, nhưng ẩn sau vẻ ngoài đó là cả một hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất châu Á. Mỗi ngày, ga Tokyo đón hơn 3.000 chuyến tàu, từ tàu thường đến các tuyến Shinkansen (tàu cao tốc), và phục vụ hàng trăm nghìn lượt hành khách – một con số khiến bất kỳ ai lần đầu tới đây cũng phải choáng ngợp.

Chúng tôi tiến vào trong, ánh mắt lướt nhanh qua những bảng điện tử chi chít thông tin. Mặc dù đã tra cứu kỹ lưỡng từ trước, nhưng thực tế khác xa những gì tưởng tượng. Ga có hàng chục tầng, nối nhau bởi các dãy hành lang dài, cầu thang cuốn, biển chỉ dẫn liên tục đổi hướng. Mỗi khu vực lại có tên riêng, cổng tàu riêng, số vé riêng. Ứng dụng bản đồ trong điện thoại gần như… bất lực.
Lạc giữa ga – trễ tàu trong gang tấc
Chúng tôi cần bắt chuyến tàu lúc 17h12 để đến ga hẹn. Lúc đó đã là 16h55, và chúng tôi tưởng như vẫn kịp. Nhưng rồi trong sự loay hoay giữa các bảng chỉ dẫn, tầng B1, B2, rồi lên B3, xuống tầng Shinkansen… từng phút trôi qua trong sự bối rối. Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng lại hỏi người qua đường. Điều thú vị là, người Nhật đa phần không giỏi tiếng Anh, nhưng họ rất kiên nhẫn. Một cô gái trẻ dù không hiểu hết câu hỏi, vẫn lấy điện thoại ra dịch, rồi chỉ cho chúng tôi hướng đi. Một ông bác lớn tuổi còn đi theo đến tận cầu thang cuốn và cúi đầu chào khi chúng tôi cảm ơn rối rít.
Nhưng đáng tiếc, chúng tôi đến đúng cửa tàu thì cánh cửa đã khép lại. Con tàu rời bến đúng 17h12 như kế hoạch, để lại hai vợ chồng đứng giữa tiếng loa và tiếng bánh sắt rền vang.
May mắn và bài học nhẹ nhàng
Chúng tôi lo lắng không biết phải làm sao, vì nghĩ rằng lỡ chuyến là mất vé. Nhưng hóa ra, với nhiều loại vé tàu tại Nhật – nhất là Shinkansen không đặt chỗ – bạn hoàn toàn có thể dùng lại vé đó cho chuyến kế tiếp cùng tuyến, chỉ cần lên toa tự do (non-reserved). Vậy là chúng tôi vẫn dùng lại vé cũ cho chuyến tàu lúc 17h52, không cần đổi vé, không phải nộp thêm khoản nào. Một nỗi nhẹ nhõm lan tỏa. Tôi thầm cảm ơn sự sắp đặt kỹ lưỡng, quy củ và hợp lý của người Nhật.

Ngồi chờ chuyến sau, tôi tranh thủ ngắm nhìn ga Tokyo lúc chiều tà. Giữa dòng người tấp nập, mỗi người đều như đang đi về một hướng thật rõ ràng. Người Nhật có thói quen đi nhanh, không ồn ào, không chen lấn, và dường như ai cũng có kế hoạch được tính đến từng phút. Nhìn lại mình – lạc lối, chậm trễ, nhưng lại học được một điều lớn: Ở đất nước này, mọi thứ có thể không đơn giản, nhưng luôn có cách để bạn được hỗ trợ, nếu bạn kiên nhẫn và biết mỉm cười.
Chuyến tàu sau đưa chúng tôi lướt qua những cánh đồng lúa, rừng cây, và cả những dãy núi xa mờ trong ánh hoàng hôn. Tàu êm đến mức dừng và đi qua các qua ga lúc nào không hay. Khi đến nơi, anh bạn đồng hương vẫn đứng chờ, tay vẫy liên tục. "Anh biết thể nào mọi người cũng bị lạc ga Tokyo!" – anh cười lớn khi gặp lại. Trong bữa tối hôm đó, giữa tiếng cười, mùi miso thơm ngọt và món cá nướng kiểu Nhật, câu chuyện lạc tàu trở thành kỷ niệm đẹp đầu tiên trong hành trình khám phá đất nước hoa anh đào.
Lần đầu đến Nhật, tôi tưởng mình đã chuẩn bị đủ. Nhưng hóa ra, cần nhiều hơn là thông tin: đó là sự bình tĩnh, lòng biết ơn và khả năng lắng nghe những điều khác biệt. Và nếu có ai đó hỏi: "Đi Nhật có gì đáng nhớ nhất?" – tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Chính là… được lạc giữa ga Tokyo.”